Có đôi lần, tôi có ý định nhờ những người học trò của thầy Văn Như Cương mà tôi quen biết dẫn đến nhà thầy chơi để mục sở thị “bộ râu huyền thoại” , để nghe thầy nói về giáo dục, về dạy học Toán, để hỏi thầy về những điều tôi còn thắc mắc…nhưng ý định chưa thành hiện thực thì thầy đã đi xa.
Khi còn là học sinh THPT, tôi chỉ biết tên thầy được in đầu tiên trên bìa của những cuốn sách hình học và những lần thầy xuất hiện trên TV bình luận, góp ý các vấn đềvề giáo dục. Lúc ấy, tôi đã hình dung được một Văn Như Cương gai góc, thẳng thật, không ngại va chạm. Tên tuổi của thầy gắn liền với ngôi trường Lương Thế Vinh – ngôi trường dân lập đầu tiên của chế độ XHCN. Bước vào Sư phạm Toán, tôi được học những giáo trình hình học do ông viết như Hình học cao cấp, Hình học sơ cấp…
Ngôi trường dân lập đầu tiên
Những năm đầu tiên sống ở Hà Nội với nghề dạy học, tôi được tiếp xúc và dạy thêm Toán cho một vài học sinh Trường Lương Thế Vinh (LTV) của ông. Tuổi “Teen” thường kèm theo tính cách “dở dở ương ương” nhưng ôi! sao học sinh Lương Thế Vinh ngoan làm vậy. Dù giờ tôi không còn dạy các em nhưng không thể quê được những khuôn mặt xinh xắn với thái độ, ý thức học tập rất tốt. Lớp học tuy nhỏ, chỉ có chục em nhưng riêng những em học sinh Trường LTV rất lễ phép với thầy cô, ngồi học rất nghiêm túc, chú ý nghe giảng, chăm chỉ làm bài tập cho dù có em lực học chỉ ở mức trung bình. Năm ấy tôi đã bắt đầu nghe phong thanh về chuyện áp lực học tập ở Trường LTV, tôi có hỏi về tình hình học tập của các em ở lớp, môi trường học tập như thế nào. Tất cả các em đều trả lời rằng cảm thấy thoải mái, hài lòng ở ngôi trường đó cho dù học tập có phần nặng nhọc tuy nhiên cũng có em nói “ở LTV, chúng em ít được tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp”, “GV trường em nghiêm khắc hơn trường khác” rồi các em nói về thầy Cương như một ông bụt sống, có em lại nói: “Các con thầy chẳng ai phúc hậu được như thầy cả” nhưng cũng có ý kiến khác: “Thực ra, em thấy cô Dương và cô Na (2 con PGS. Văn Như Cương) tuy nghiêm khắc cũng rất tốt, em đã chứng kiến các cô cho tiền bạn em gặp hoàn cảnh khó khăn”. Tôi gắn bó với nghề dạy học ngắn ngủi, lượng học sinh đặc biệt là học sinh của Trường LTV cũng không nhiều nhưng những lời nói của các em khiến tôi suy nghĩ nhất là trong và sau vụ lùm xùm về môi trường giáo dục hà khắc của Trường LTV trong giời gian vừa qua.
Bạn bè, khách hàng của tôi có rất nhiều người đang giảng dạy tại Trường LTV như anh Vận, anh Sang, anh Hiệp, anh Nhật… Dù họ là giáo viên cơ hữu hay thỉnh giảng thì tôi vẫn cảm nhận được họ là những người thầy, cô rất tâm huyết và yêu thương học trò. Suốt 27 năm qua, ngôi trường LTV đã đóng góp lớn lao cho ngành giáo dục thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Thầy dạy Toán tài hoa, nhà giáo dục tâm huyết
Những học trò của thầy Cương kể lại rằng thầy lên lớp tiết Hình học chỉ có cây thước, viên phấn nhưng bài giảng của thầy thì vô cùng sinh động, lôi cuốn đến lạ kỳ. Ông đưa vào bài giảng của mình những ví dụ thực tiễn, những bài học đầy tính nhân văn đôi khi là cả vần thơ, điệu nhạc. Ông để lại ấn tượng sâu sắc trong kí ức của những thế hệ học trò về một người thầy có kiến thức uyên bác, phong thái từ tốn, khiêm nhường, phương pháp giảng dạy rất dễ hiểu, dạy toán mà thầy hát và làm thơ rất nhiều cảm xúc.
Tuy là giáo viên Toán nhưng từ thời trẻ, thầy Cương rất đam mê Văn học nghệ thuật. Ông nổi tiếng với những bài thơ đường, những vếđối sắc sảo, những màn đối đáp đã đi vào giai thoại một thời đã được rất nhiều trang báo trích dẫn lại. Người Hà Nội vẫn truyền miệng câu đối “Văn như Văn Như Cương/ Võ nguyên Võ Nguyên Giáp” trong đó vế thứ 2 là của ông
Ông đã ra đi, bỏ lại người bạn cờ của mình – Dịch giả Đoàn Tử Huyến.
PGS. TS Phan Thị Hà Dương (con gái GS Phan Đình Diệu, gọi PGS Văn Như Cương bằng cậu) chia sẻ rằng tuổi thơ của chị gắn liền với PGS. Cương qua những trò ảo thuật biến hóa của ông.
Chia sẻ của chị Phan Thị Hà Dương về người cậu đáng kính của mình.
Với phong cách đậm chất ông Đồ xứ Nghệ, PGS Văn Như Cương nổi tiếng nghiêm khắc nhưng vô cùng thương yêu học sinh, chính về thếông luôn được tất cả các thế hệ học trò kính trọng.
Nhà báo Văn Công Hùng chia sẻ trên trang cá nhân: Ông chưa từng đuổi một học trò nào!
Ngoài công việc chuyên môn, PGS Văn Như Cương còn tích cực đóng góp ý kiến cho công cuộc đổi mới giáo dục đầy gian nan. Những phản biện của ông nhiều khi gay gắt, mất lòng nhiều người nhưng lại chứa đựng tâm huyết lớn lao với nên giáo dục nước nhà. Có đôi khi chúng ta còn thấy “lão teen” Văn Như Cương với những bài diễn văn, những status đắt từng chữ trên mạng xã hội. Facebook của ông có hàng trăm ngàn lượt theo dõi, những chủ đề nóng của cuộc sống được lão facebooker bình luận hóm hỉnh, sâu sắc và thu hút được lượng lớn độc giả.
Có một điều làm tôi càng thêm kính phục thầy. Đôi khi những ý kiến, quan điểm của thầy về giáo dục còn nhiều người không ủng hộ thậm chí lên tiếng phản đối tuy nhiên tất cả đều phải thừa nhận rằng thầy đã để lại một dấu ấn lớn cho nền giáo dục Việt Nam
Chia sẻ của GS Nguyễn Tiến Dũng về sự ra đi của thầy Cương
Cuộc đời thầy đã cống hiến trọn vẹn cho giáo dục, cho những mầm non của đất nước. Nếu có điều gì chưa trọn vẹn về cuộc đời thầy thì cá nhân tôi cho rằng thầy chưa có một ngày…nghỉ hưu cho dù có lúc sức khỏe của thầy rất yếu.
Ngày mai, 12 tháng 10 năm 2017. Bạn bè, đồng nghiệp, những học trò của thầy ở Trường ĐHSP Hà Nội, ĐH Vinh và THPT Lương Thế Vinh sẽ được tề tựu đông đủ nhất nhưng… đó sẽ là một ngày buồn vì họ phải vĩnh biệt người đồng nghiệp, người thầy kính yêu Văn Nhu Cương rời xa cõi trần thế.
Xin được thắp nén hướng thơm tiễn biệt thầy về với đất mẹ.